2.1. Sinh sản lưỡng tính (Bisexual)
Đây là hình thức sinh sản phổ biến nhất ở các loài côn trùng. Các cá thể mang tính đực và các cá thể mang tính cái giao phối với nhau. Trứng được thụ tinh sẽ phát triển thành một cá thể mới. Ví dụ: 2n : Ong cái, n: Ong đực
2.2. Sinh sản đơn tính (Parthenogenesis)
Đây là hình thức sinh sản không qua thụ tinh, trứng của con cái đẻ ra không qua thụ tinh nhưng vẫn có thể phát dục được. Từ trứng không được thụ tinh phát triển cho toàn con đực như ở nhện đỏ, cho toàn con cái như ở rệp sáp hoặc cho cả cá thể đực và cái như ở rệp muội họ Aphididae.
2.3. Hiện tượng đực cái cùng cơ thể (Hermaphrodite)
Một số loài côn trùng trong cơ thể mang cả tính đực và tính cái, ví dụ rệp sáp xơ hại cam (Icerya purchassi M.) trong quần thể có 90 – 99 % cá thể có hiện tượng đực cái cùng cơ thể, chỉ có 1-10 % cá thể đực, không có cá thể nào có tính cái hoàn chỉnh.
2.4. Sinh sản thời kỳ sâu non (Paedogenesis)
Đây là hình thức sinh sản đặc biệt và hiếm thấy, ví dụ: họ muỗi năn (Cecidomyidae), muỗi chỉ hồng (Chironomidae) thuộc bộ hai cánh (Diptera) Buồng trứng ở thời kỳ sâu non đã chín và không cần qua thụ tinh phát dục thành sâu non. Sâu non phát dục trong cơ thể mẹ được nuôi dưỡng bằng chất dinh dưỡng trong cơ thể sâu mẹ, sau khi hoàn thành giai đoạn phát dục thì sâu non đục thủng cơ thể mẹ chui ra và tiếp tục phương thức sinh sản của sâu mẹ.
2.5. Sinh sản nhiều phôi (Polygenesis)
Từ một trứng do kết quả phân cắt của tế bào tạo ra nhiều phôi, số lượng phôi khác nhau tuỳ theo loài côn trùng, ít nhất là 2 nhiều nhất có thể tới 3000.
Hình thức sinh sản này thường gặp ở những loài ong ký sinh như họ ong nhỏ (Chalcidae), ong kén nhỏ (Braconidae) và ong cự (Ichneumonidae) …
2.6. Hiện tượng thai sinh
Là phương thức sinh sản mà trứng nở ra trong cơ thể mẹ rồi đẻ sâu non trực tiếp ra ngoài. Hiện tượng này thường gặp ở côn trùng họ rệp muội (Aphididae), ruồi ký sinh (Tachinidae), ruồi nhà (Muscidae) …