Công tác PCCC là một trong những nhiệm vụ quan trọng, gắn với việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, công tác PCCC đã được chính quyền các cấp, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả tích cực.

Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác PCCC vẫn còn nhiều nội dung tồn tại, bất cập, vướng mắc; việc tổ chức thực hiện ở một số đơn vị, địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự nghiêm túc. Việc chấp hành pháp luật về Phòng cháy, chữa cháy còn mang nặng tính đối phó nên chưa thật sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện đầy đủ quy định an toàn PCCC tại địa phương, doanh nghiệp, cơ sở.

Bên cạnh các yếu tố khách quan thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là do một bộ phận cán bộ, kể cả người đứng đầu, lãnh đạo các cấp, ngành, chính quyền địa phương và người dân chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC tại địa phương, vẫn còn tình trạng giao khoán công tác này cho lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH.

Qua thực trạng công tác PCCC trên địa bàn tỉnh hiện nay, tại một số chợ, cơ sở kinh doanh vẫn chưa đảm bảo việc thực hiện các điều kiện an toàn PCCC và CNCH. Trong đó có các nhà ở nhà ở kết hợp kinh doanh, cơ sở sản xuất có tính chất nguy hiểm về cháy, nổ, kho tàng chứa vật liệu dễ cháy, nổ đang nằm xen kẽ trong khu dân cư, nhà trọ, phòng trọ cho thuê; các chung cư cũ, làng nghề; các chợ tạm, tụ điểm buôn bán tự phát các mặt hàng dễ cháy nổ...

Theo UBND thành phố Huế, qua kiểm tra, rà soát thì hiện nay trên địa bàn thành phố có 2910 cơ sở nhà mặt phố kết hợp sản xuất, kinh doanh. Phần lớn các ngôi nhà này luôn tồn chứa các vật dụng, hàng hóa với số lượng lớn trong một diện tích nhỏ và được sắp xếp không hợp lý. Hàng hóa chủ yếu được bày bán, tàng trữ phía trước của căn nhà nơi khu vực chính, phía sau sử dụng để ở. Bên cạnh đó, vật tư, hàng hóa thường xếp lộn xộn, gần bếp; gần bảng điện, tủ điện, dây dẫn điện, thiết bị tiêu thụ điện; hàng hóa thường che chắn lối đi, cầu thang, hành lang gây cản trở lối thoát nạn. Vì vậy, nếu xảy ra sự cố sẽ rất khó kiểm soát cũng như triển khai công tác chữa cháy, cứu nạn.

Để tăng cường công tác PCCC&CNCH và nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định đề nghị, trước mắt UBND các địa phương thành lập ngay các Đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH và Công an các địa phương thuộc Công an tỉnh tiến hành tổng kiểm tra công tác PCCC đối với các nhà liền kề, nhà ở kết hợp kinh doanh, cơ sở sản xuất có tính chất nguy hiểm về cháy, nổ, kho tàng chứa vật liệu dễ cháy, nổ đang nằm xen kẽ trong khu dân cư. Trong đó cần lưu ý đối với các khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao, tập trung đông dân cư, có nhiều nhà trọ, phòng trọ cho thuê; khu vực có nhiều loại hình cơ sở kinh doanh, bán lẻ các chất hàng có nguy hiểm cháy, nổ xen kẽ nhà ở…
Tin liên quan: phòng cháy chữa cháy mùa hanh khô